Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

  • Người nổi tiếng: Thời thơ ấu của nhà văn Thạch Lam (P1)

    Ngày tạo: 11:54, 28/02/2022
    72Chia sẻ
    Tuổi thơ của nhà văn Thạch Lam được người chị là Nguyễn Thị Thế kể lại rất tường tận trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường

    Tuổi thơ của nhà văn Thạch Lam được người chị là Nguyễn Thị Thế kể lại rất tường tận trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường. Tuổi thơ của Thạch Lam cũng như bao người, nhưng nó lại là những nét chấm phá hình thành tính cách khi trưởng thành và cũng là ngọn nguồn cho cảm hứng văn học của ông sau này. Nhớ về người em của mình, bà Nguyễn Thị Thế đã ghi lại những dòng hồi ức rất đỗi thân thương: “Em Sáu (Thạch Lam) tôi nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng bạo dạn đi tới đâu là kết bạn được ngay. Các anh tôi thường lấy dây buộc hai bên gốc cây rồi thi nhau nhảy qua, trò chơi này tôi và em Sáu còn bé nên không tham dự.

    Khi nào các anh đi học vắng cả, hai chị em không dám vào sân chơi vì phải đi qua lối đi tối tăm ban ngày cũng sợ có ma. Một hôm hai chị em liều chạy vào nhà trong, tôi chạy trước, em Sáu tôi theo sau, em tôi vấp ngã sóng soài, cằm đập xuống nền gạch. Tôi quay lại thấy em đang vội vàng nhổm dậy mặt đầy máu, tôi sợ quá khóc thét lên còn em tôi vẫn điềm nhiên không khóc, có lẽ vì quá sợ mà quên cả đau, sau này chỗ vấp ở cằm thành cái sẹo. Mỗi lần nhìn thấy, tôi lại nhớ chuyện cũ và sợ những căn nhà tối tăm có những bậc gạch xây, bọn cướp có thể trốn dưới đó suốt ngày cũng không ai hay biết”.

    Còn dáng vẻ lúc ấu thơ của Thạch Lam đã được bà tả lại như sau: “Em Sáu trông giống lai nhất nhà, hai mắt nâu, cái miệng có duyên, răng trắng đều. Lúc nhỏ ai cũng bảo cậu này lai quá. Mẹ tôi cười bảo tại cậu ấy lúc bé bú toàn sữa bò nên vậy đó. Tôi cứ tưởng thật vì có thấy đứa bé nào bú sữa bò đâu”. Bác sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách, người em út trong gia đình Nguyễn Tường cũng miêu tả ông “cao hơn các anh em, cũng mắt sâu và ngang, lông mi dài, mặt trông hao hao giống như Tây lai”. Nói về cái tên, Thạch Lam có hai lần đổi tên. Ban đầu 7 anh chị em của Thạch Lam, trừ ba người anh đầu được đặt tên là Thụy, Cẩm, Tam, còn lại tên các anh chị em của ông đều được đặt tên theo thứ tự, lần lượt là Tứ (Hoàng Đạo), Năm, Sáu (Thạch Lam) và Bảy.

    Sau này, nhà văn Nhất Linh đã đổi tên cho các em của mình, trong đó có Thạch Lam thành tên Vinh nhân dịp ông đổi tuổi để đi thi Thành chung. Lần đổi tên thứ hai của ông là Lân, và ông đã giữ cái tên này cho đến cuối đời. Thuở nhỏ, Thạch Lam và gia đình cư ngụ tại ngôi nhà số 10 phố Hàng Bạc, Hà Nội (nay là phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ở Hàng Bạc được ít lâu, thầy ông nghỉ việc nên cả nhà lại chuyển về phố huyện Cẩm Giàng (nay là huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), vốn là quê ngoại Thạch Lam. Mẹ ông xin được một khoảng đất ngay giữa phố huyện, bên kia là mấy hiệu khách lớn.

    Đằng sau nhà là đường xe hỏa mà đêm đêm, dân phố vẫn lắng nghe tiếng xe hoả chạy rầm rập trên cầu, phá vỡ cả một vùng tịch mịch. Bà Nhu dựng một căn nhà tre năm gian, hai gian mở cửa ra phố để bán các thứ lặt vặt và thuốc lào. Tuy là nhà tre vách đất nhưng nhà cao, cửa sổ rộng suốt cả đầu chái nhà, chắn song làm bằng cây tre rừng rất thẳng bào nhẵn, bên ngoài có phên đan bằng nứa, ban ngày chống lên tối bỏ xuống, có gió đồng thổi vào mát mẻ. Vách nhà làm bằng bùn trộn cát, ngoài quét vôi màu xanh nhạt. Ai tới cũng trầm trồ khen đẹp, vì phần đông ở thôn quê ngày ấy nhà nào làm cũng giống nhau, tối tăm chật hẹp.

    Một phần tuổi thơ trôi qua ở Cẩm Giàng đã để lại cho Thạch Lam nhiều kỷ niệm khó phai mờ, mà những hình ảnh phản chiếu vùng ký ức đó đã được ông thể hiện qua tác phẩm Hai đứa trẻ. Bà Nguyễn Thị Thế kể rằng bà không ngờ em Sáu của mình có trí nhớ dai thế, như truyện Hai đứa trẻ đã tả một cách chính xác cảnh hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ: “Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám mà mẹ tôi đã giao cho hai chị em tôi coi hàng. Cửa hàng chỉ bán có rượu, ít bánh khảo, thuốc lào, cốt để đưa khách quen vào trong nhà bà ngoại. Tối đến hai chị em phải ngủ lại để trông hàng.

    Cẩm Giàng ngày nay.

    Hai chị em vì ở nhà quê đã lâu nên bạo dạn. Chủ nhà là hai bà cụ đã già tóc bạc phơ hình như hai người là bạn với nhau, đều không có con, tôi cũng không rõ là ở đâu tới. Một bà trẻ, khỏe mạnh hơn dọn hàng cơm cho khách ăn, thỉnh thoảng cũng có người lỡ tàu ngủ trọ lại. Hàng bà cụ rất sạch sẽ, món ăn cũng ngon. Những con cá chép rán vàng, rồi canh cá nấu măng chua, mấy cái chân giò luộc, trông thật thèm. Khách hàng là mấy ông lý ông chánh ở các làng xa xôi lên huyện có việc. Đông nhất là những ngày vào vụ thuế. Hồi đó thuế người thuế ruộng phải đem lên nộp cho quan, quan đem xuống tỉnh nộp cho công sứ.

    Hàng mẹ tôi dọn được ít lâu khách đã quen vào nhà trong rồi nên khỏi bán hàng ở ngoài nữa”. Ký ức về ga xép Cẩm Giàng của Thạch Lam không chỉ là đoàn tàu với những “toa hàng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh” để rồi “đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, mà còn là những tháng ngày cùng các anh chị nô đùa, chạy dọc theo đường sắt, đứng trên cái cầu sắt bắc ngang sông Sen êm đềm trôi giữa hai rặng tre, tới đồng lúa xanh ngắt. “Em Sáu mỗi lần tàu chạy qua lại chỉ cho tôi xem các bánh xe lăn trên đường sắt sáng và bóng loáng.

    Các chuyến tàu chở hàng lúc hai giờ cứ đến gần nhà tôi là dừng lại, không bao giờ đi quá. Em Sáu rủ tôi lại xem bánh xe, tôi sợ lắc đầu thế là nó từ từ bò lại gần sát đường sắt, cúi đầu xuống lấy tay sờ vào chỗ nhẵn của bánh xe. Tôi đang mải chăm chú xem nó làm gì chợt lúc đó có người trông thấy, họ sợ quá kêu lên ầm ĩ. Bao nhiêu người xúm đông lại hò hét, em tôi cứ lặng lẽ đi xuống. Mới đầu ai cũng sợ, sau mọi người biết rõ chuyện, họ cho là thằng bé thế mà gan dạ, dám đến gần đường sắt để sờ bánh xe chơi. Lỡ hôm đó tàu nó không lùi, cứ tiến lên thì có nát sọ không. Hai chị em chỉ nhìn nhau cười vì chúng tôi đã biết từ lâu bao giờ tàu nó cũng tới đó là lùi lại chứ không bao giờ đi quá vạch phấn em Sáu tôi đã đánh dấu.

    Nhưng cũng từ đó bà tôi cấm không cho chúng tôi ra ngoài nữa, chỉ được đứng trong nhà nhìn ra thôi”. Đối với gia đình họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng, năm 1918 là một thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ. Đó là năm ông Thông Nhu (cha của Thạch Lam) mất khi đang làm việc bên Lào. Mẹ ông là bà Lê Thị Sâm (còn gọi là bà Thông Nhu) phải đứng ra cáng đáng chuyện sang Lào lấy cốt của chồng mình mang về quê an táng. Ông Nguyễn Tường Bách kể rằng đó là một vết thương lòng khó phai nơi các thành viên trong gia đình Thạch Lam: “Ông mất đi, bên cạnh chỉ có mỗi mình mẹ tôi, để lại mẹ già, vợ goá và một đám con còn nhỏ bơ vơ. Còn tiếp...

    Nguồn: Nguyen Dong Le

    Sưu tầm 25.02.2022


  • Về trang trước

  • Tin tức liên quan

Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

Địa chỉ: Số 34 - Ngõ 49 - Phố Huỳnh Thúc Kháng - Đống Đa - Hà Nội Website: phanhuychu-dd.thuvien.edu.vn  QR Code Hotline: 0913565151
Đang nghe bạn nói...