Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

  • Người nổi tiếng: Thời thơ ấu của nhà văn Thạch Lam (P2)

    Ngày tạo: 11:55, 28/02/2022
    53Chia sẻ
    Tuổi thơ của nhà văn Thạch Lam được người chị là Nguyễn Thị Thế kể lại rất tường tận trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường

    Tang tóc bất ngờ đã để lại một vết thương âm ỉ, sâu xa trong lòng cả anh em chúng tôi. Cảnh mồ côi bố không phải không có ảnh hưởng. Sinh sống khó khăn, lại thiếu sự dạy dỗ chỉ bảo hay dìu dắt của người bố, bà mẹ bận về tìm cách làm ăn, sao cho nuôi dưỡng được bảy đứa con cho thành người, những cái đó có lẽ đã rèn luyện anh em chúng tôi tinh thần tự giác, độc lập trong cuộc đời phức tạp, đầy gian nan”. Người mẹ phải vượt bao gian khổ và can đảm để vực dậy gia đình, nuôi các con ăn học và sống trong cái phố huyện buồn tẻ. Nhưng mặc cho cảnh nghèo nàn thiếu thốn trong gia đình, dù mẹ của Thạch Lam và người bà cố gắng xoay sở, cũng chưa giải quyết được vì đông con.

    Bà Nhu phải đi buôn gạo nhưng vẫn không đủ sinh sống. Thế là bà quay sang nấu thuốc phiện và rượu lậu như một phương cách kiếm tiền cho con ăn học, trong khi các con bà lại xem đây là hành động có ý thức chống đối thực dân Pháp, bởi ngày ấy chúng nắm độc quyền rượu và thuốc phiện. Cũng từ những lần nấu rượu lậu hay thuốc phiện ấy đã đem đến những phen dở khóc cho cười cho một đại gia đình đang loay hoay tìm đường sống. Mỗi khi bà Nhu nấu rượu lậu hay thuốc phiện, những người con trong gia đình sẽ “lãnh trách” một nhiệm vụ khác nhau. Khi nấu rượu lậu, thì mọi cửa ngõ đều phải đóng kín hết, mọi người thay nhau ra gác đề phòng Tây đoan đột nhiên đến khám.

    Thường thì chị Năm (bà Nguyễn Thị Thế) hay em Sáu sẽ đứng ở cổng trông ra đường ga hay trông ra phía chợ. Tác giả Gió đầu mùa sẽ bắc một cái ghế ngồi, giả vờ đang đọc sách một cách chăm chú. Còn khi nấu thuốc phiện, tuy bà Nhu vẫn giữ môn bài thuốc nhưng số thuốc ít không đủ bán nên bà kêu lậu thêm thuốc nhựa có người đưa hàng từ Lào Cai, Yên Bái do mấy người lái xe lira dẫn vào toa than đem về. Hôm nào có hàng là báo tin trước, bà sẽ sai chị Năm và Thạch Lam giả vờ đi thơ thẩn ra khỏi ga, đợi khi nào người lái tàu vứt xuống một cái gói như người ta ném rác vậy, thì ra nhặt.

    Nhưng hai chị em cũng không dám ra ngay, mà chờ tàu đi thật xa mới lượm đem về. Cánh đồng vắng vẻ chả có ai, mà dù có người biết cũng chẳng ai nỡ tố cáo, vì ai cũng mến gia đình Nguyễn Tường. Bà Nhu học được cách nấu. Nấu thuốc rất công phu, mất nhiều thì giờ và phải nấu về đêm. Bà Thế phụ với mẹ, các anh thì canh gác mấy ngả đường, có gì thì thổi còi báo động. Cẩn thận như vậy mà bà Nhu cũng bị bắt. Một lần vào dịp hè các anh lớn đều ở nhà đông đủ cả. Hôm đó đến lượt Thạch Lam coi tàu, về nói là không có Tây đoan. Cả nhà yên chí chưa kịp đem gửi thúng hàng đi, hàng mới nấu xong có đến mười chai lít (thuốc phiện).

    Bà Nhu mới đem ra một ít bán cho khách thì Tây đoan ập tới. Thạch Lam đang đi chơi lang thang ở chợ, thấy họ vội chạy về báo. Ông chạy trước họ chạy theo sau, đến gần nhà sợ không kịp nên hét to lên “Tây đoan!”. Tức thì một cảnh hỗn loạn khuân vác, dẹp chạy khẩn cấp trong nhà diễn ra. Nồi niêu, thùng sắt được khuân ngay ra đằng sau phố. Một người dẹp tắt lửa trên bếp, một cài cửa ngang. Anh Hai đang ngồi học vội vã bưng thúng thuốc chạy băng qua vườn cải bà ngoại để chạy ra cửa trước. Vừa lúc đó Tây đoan chạy tới thấy có người chạy trốn định đuổi theo. May có anh Cả đang ngồi câu cá chạy ra nói tiếng Pháp chặn lại cự nự là sao chưa xin phép mà dám xộc thẳng vào nhà.

    Đến lúc chúng trả lời xong, anh Hai đã băng qua đường cất hàng dưới ao rồi. Tây đoan chỉ bắt được có một số ít thôi nhưng cũng phạt tiền và thu lại môn bài không cho bán nữa. Tuy vậy bà Nhu vẫn buồn nhưng không dám để ở nhà, đem gửi bên chị Đối hàng xóm. Khi nào có người mua chị Đối giao cho Thạch Lam một ít, bán xong còn thừa lại đưa cho ông bỏ túi đi chơi bên hàng xóm. Nguyên do cho tình cảnh hoảng loạn trên cũng bởi chú Sáu nhà ta lơ là nhiệm vụ, vì ngồi lâu quá buồn ngủ thiếp đi, nên bọn Tây đoan đến gần mới phát giác. Nhưng Tây đoan cũng không vừa. Đã có kinh nghiệm, lại có tay trong, nên lần sau chúng chia người vây nhà, rồi xông vào bắt được quả tang tại chỗ, phạt tiền, tịch thu môn bài.

    Nấu thuốc phiện vì cũng quá nguy hiểm nên việc kinh doanh trái phép này phải ngừng, bà Nhu quay về buôn bán hàng xén và cân gạo. Sinh hoạt gia đình càng khó khăn hơn. Niềm an ủi duy nhất đối với bà đó là những người con đều được đi học và ngày càng tiến bộ hơn, âu cũng là nòi giống khoa bảng đang nở hoa trên chính mảnh đất khoa bảng. Lúc bấy giờ, cảnh nhà Thạch Lam cũng không khá khẩm hơn, mẹ ông mang nợ người mợ, liên tục bị đòi, uất ức đến nỗi đòi bán nhà trả nợ, may sau nhờ có người bạn thân lúc trước trả nợ giúp. Trong nhà, anh Cả và anh Hai đều lo dạy học, anh Tam và anh Tư thì vào trường Bưởi.

    Nhà lại vắng vẻ, chị Thế nghỉ học ở nhà, em Bảy hãy còn nhỏ, chỉ có mỗi Thạch Lam học trường làng ở khá xa, phải đi qua phố huyện qua cầu Giằng mới đến trường học. Một hôm bà Thế thấy em Sáu mình ngủ trưa dậy mặc áo đi, bà tưởng là đi chơi đâu nên cũng không hỏi. Lúc em Sáu về trời đã gần tối, bà Thế hỏi em đi đâu về vậy, em đáp em ngủ trưa dậy tưởng là buổi sáng đi lên trường học. Đến lớp ngồi đợi mãi chả thấy ai đến cả, trời càng ngày càng tối em mới biết là em lầm. Cả nhà nghe xong ai cũng lăn ra cười. Bà Thế còn kể thêm: “Nhà có nuôi mấy con thỏ. Suốt ngày em tôi cứ ra ngồi coi thỏ nó ăn, kêu chị ơi ra mà xem con thỏ nó ăn này, nó nhai trông ngon quá.

    Một hôm có ông bạn của thầy tôi về thăm ấp ở gần đó vì nhỡ chuyến xe lửa chiều nên ghé qua nhà tôi ngủ nhờ. Bà nội, mẹ tôi đều đi vắng cả. Thấy ông khách ngồi buồn, em Sáu tôi đưa ông ra ngồi xem thỏ ăn. Nhìn cái miệng thỏ ăn và miệng em tôi cũng đều như nhau, ông khách cứ xoa đầu em cười luôn miệng. Tôi mải lo đuổi gà để làm cơm thết khách, nhờ cả hàng xóm dưới hộ nhưng tiếc là vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà nên bữa đó ông khách phải nhịn đói, cứ ngồi nghe truyện em tôi cũng đủ no rồi. Trong bảy anh em chúng tôi có em Sáu hay nói nhất nhà, hay làm thì có anh Tam, anh cả anh Hai đứng đắn cả ngày chỉ ngồi đọc sách, thỉnh thoảng lại trao đổi vài câu tiếng Pháp mà tôi mù tịt chẳng hiểu gì cả”.

    Ở quê, Thạch Lam thích nhất là những ngày hè có anh Tư về chơi. Thường thì chỉ có chị Năm, Thạch Lam cùng em Bảy ở nhà. Đó là những tháng ngày vô tư lự của đám trẻ. Có anh Tư về, đám trẻ thường rủ nhau đuổi bắt những loại bướm màu sặc sỡ bay lượn trên bụi găng, rồi cùng mấy cô em họ tinh nghịch chạy ra cánh đồng, đánh cỏ gà, một lối chơi rất thú vị, hoặc ngắt những bông hoa thài lài xanh trên bờ ruộng. - Đi câu cá, đi anh! Vì biết anh Tư thích câu cá, cô Tám, một cô em kéo anh ra bờ ao nhìn ra cánh đồng xa. Chỗ này mát mẻ, dưới một gốc sung già da sần sùi. Lũ trẻ đào giun hay đi xúc tép dưới bèo để làm mồi. Còn tiếp...

    Nguồn: Nguyen Dong Le

    Sưu tầm 25.02.2022


  • Về trang trước

  • Tin tức liên quan

Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

Địa chỉ: Số 34 - Ngõ 49 - Phố Huỳnh Thúc Kháng - Đống Đa - Hà Nội Website: phanhuychu-dd.thuvien.edu.vn  QR Code Hotline: 0913565151
Đang nghe bạn nói...