Hệ thống thư viện Sách điện tử

THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

  • Tìm hiểu Lịch sử Việt Nam: Oan án Lệ Chi Viên - Chính Kịch

    Ngày tạo: 12:00, 28/02/2022
    143Chia sẻ
    Nguyễn Trãi (1380 – 19/9/1442), quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai của Tiến sỹ Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) và bà trần Thị Thái, là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) dưới triều nhà Hồ, ra làm quan với triều Hồ. Sau khi nước ta bị nhà Minh cai trị (1407).

    Tóm tắt tiểu sử Nguyễn Trãi

    Nguyễn Trãi (1380 – 19/9/1442), quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai của Tiến sỹ Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) và bà trần Thị Thái, là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) dưới triều nhà Hồ, ra làm quan với triều Hồ. Sau khi nước ta bị nhà Minh cai trị (1407).

    Măm 1416, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lũng Nhai (Lam Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô sách” (kế sách đánh đuổi giặc Minh) cho Lê Lợi và trở thành mưu sỹ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc trù mưu tính kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là “Khai quốc nguyên huân”, là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê (Lê sơ). Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia quyến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên.

    Năm 1464, vua Lê thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông được tôn vinh là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới.

    Tóm tắt vụ án Lệ Chi Viên

    Ngày 27/7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh (Hải Dương), Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4/8 (âm lịch), vua về đến vườn vải (Lệ Chi Viên – nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã 42 tuổi, được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, được vua phong làm Lễ nghi học sỹ, luôn được vào hầu bên cạnh vua.

    Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà, lúc này ông mới chưa đầy 20 tuổi. Các quan bí mật đưa linh cữu vê, ngày 6/8 (âm lịch) mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ giết vua. Nguyễn Trãi cùng toàn bộ gia tộc bị án tru di tam tộc và bị giết ngày 16/8 (âm lịch) năm này (tức ngày 19/9/1442). Hai mươi hai năm sau, tháng 7 năm Giáp Thân (1464), vua Lê thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá, cho sưu tầm lại các trước tác của ông và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ chức Tri huyện.

    Lệ Chi Viên – “chính kịch”

    Ở đây, tôi dùng từ “chính kịch” để nói về những bi kịch tranh giành quyền lực trong nội cung triều chính lúc bấy giờ. Những người am tường về lịch sử đều thấy: Ở hầu hết các triều đại không những của nước ta mà trong lịch sử có nhà nước của loài người, sau khi giành được chính quyền, thì nội bộ quay ra đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau, gây ra nhiều cảnh “huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt”. Triều Lê sơ cũng vậy, sau khi “bốn bể đã lặng yên”, thì trong triều chính bắt đầu phe phái, nghi kỵ lẫn nhau. Ngay từ khi Thái tổ Lê Lợi còn sống, gian thần, quyền thần đã nổi lên. Những trung thần chính trực một lòng vì nước, vì dân như Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ, bị “thất sủng”.

    Đầu năm 1429, trong vụ án oan Trần Nguyên Hãn (cháu nội Trần Nguyên Đán, là anh em con cô, con cậu với Nguyễn Trãi), Lê Thái Tổ nghi oan cho Trần Nguyên Hãn có ý phản nghịch, bức tử ông, nhà vua cũng nghi cho Nguyễn Trãi có liên đới và bắt giam Nguyễn Trãi. Sau đó, Nguyễn Trãi được tha, nhưng từ đó, Thái Tổ cũng không tin dùng ông nữa. Năm 1433, Thái Tổ mất, hoàng tử Nguyên Long, con trai thứ của Thái Tổ được chỉ định nối ngôi chỉ hơn một tháng trước khi nhà vua qua đời. Điều này được nhiều nhà sử học hiện đại cho là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực gay gắt giữa ông (Nguyên Long – tức Lê Thái Tông) và anh trai là Quận Ai Vương Lê Tư Tề, người sau này bị phế làm dân thường và chết một cách bí ẩn.

    Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn, những võ thần từ ngày cùng Lê Lợi kháng chiến được di mệnh của Thái Tổ, phò giúp vị vua trẻ tuổi (lúc ấy mới 11 tuổi), và trở thành các quan phụ chính đại thần. Nhưng, Lê Thái Tổ cũng còn có một cố mệnh khác. Theo Lê Quý Đôn, ông cho biết rằng: “ Thái Tông lên ngôi thì do cố mệnh của Thái Tổ mà Nguyễn Trãi phụ chính” (Lê Quý Đôn – Toàn Việt thi lục, tiểu chú về Nguyễn Trãi). Trần Huy liệu phỏng đoán rằng, trước khi chết, Lê Lợi đã suy nghĩ lại và dặn dò Thái tử Nguyên Long phải đặt Nguyễn Trãi vào một chức vụ khác trong triều đình. Vì thế mà, một năm sau, ngày 21 tháng 2 năm 1434, Thái Tông bổ nhiệm 156 quan viên lớn nhỏ, trong đó có Nguyễn Trãi.

    Và đến năm 1440, khi Nguyễn Trãi đã tròn 60 tuổi, sau 10 năm giữ chức “thanh quan” (chức quan chỉ có hư danh), Thái Tông lại vời ông quay trở lại giúp triều đình, phong cho ông chức Kim tử Vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ học sỹ coi việc Tam quán (Tam quán: Chiêu văn quán, Tập Hiền viện và Sử quán đều là các cơ quan coi về văn hóa, giáo dục thời Lê), kiêm chức Hành khiển Đông Bắc đạo, phụ trách quân dân bạ tịch các trấn Hải Dương, An Quảng. Nguyễn Trãi quay trở lại triều đình với thái độ hào hứng vì ông lại có cơ hội thi thố tài năng cho ích quốc, lợi dân. Nhưng dưới sức ép của các quyền thần đối địch với Nguyễn Trãi, những chức tước đó chỉ là hư hàm hơn thực chức.

    Thực chức mà Thái Tông trao cho ông lúc này là làm “Đề cử Côn Sơn Tư phúc tự” (chức quan coi giữ chùa Côn Sơn – một chức quá ư không xứng với tài năng, đức độ của Nguyễn Trãi – thực ra cũng là ép ông về ở ẩn). Có lẽ vì thế mà, các quan phụ chính đại thần như Lê Sát, Lê Ngân, Phạm vấn…và cả hoạn quan Lương Đăng (người được Thái Tông sai cùng Nguyễn Trãi sửa định nhã nhạc, lễ nghi) đố kỵ, bất đồng chính kiến dẫn đến mâu thuẫn. Vả lại, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định rất sâu sắc rằng: “Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn bể đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá!

    Nguồn gốc sâu xa thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó”. Trong khi Nguyễn Trãi được vời ra làm quan trở lại thì người vợ lẽ của ông là Nguyễn Thị Lộ vẫn được Thái Tông giao cho giữ chức Lễ nghi học sỹ, được ra vào trong cung cấm dạy học cho các cung phi (và thực ra, bà còn dạy cả vua, vì lúc này vua mới 16 tuổi, lúc mới lên ngôi còn là một “cậu bé bất trị”). Thời gian này, các phi tần 16, 17 tuổi bắt đầu có con. Cuộc tranh chấp ngôi Đông cung Thái tử cho con mình và Ngôi chính cung Hoàng hậu cho chính bản thân các bà phi trở nên quyết liệt. Lúc này, trong hàng phi tần có 3 người được thái Tông sủng ái hơn cả là Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao.

    Dương Thị Bí vừa sinh hoàng tử trưởng Nghi Dân, ba tháng sau khi sinh, tức tháng Giêng năm Canh Thân (1440), Nghi Dân được Thái Tông phong Thái tử, Dương Thị Bí được phong Thần phi. Cuối năm 1440, Nguyễn Thị Anh có mang. Cuộc tranh chấp càng trở nên quyết liệt khiến hậu cung chia thành phe cánh, trật tự chốn hậu cung bất ổn. Trước tình hình đó, Nguyễn Thị Lộ vận động Thái Tông tuyển cung nữ mới để thay thế những cung nữ mà sử cũ gọi là “ngỗ nghịch”. Nhưng những nỗ lực của bà không ngăn chặn được tình hình. Nguyễn Thị Anh ngày càng thắng thế. Tháng 7 năm 1441, Nguyễn Thị Anh sinh hoàng tử Bang Cơ (mà việc huyết thống của Bang Cơ sau này có nhiều nghi vấn, dị nghị trong triều).

    Ảnh minh họa của Nguyễn Thị Anh.

    Tháng 12 năm ấy, Bang Cơ được phong Thái tử, Nguyễn Thị Anh được phong làm Thần phi. Thái tử Nghi Dân bị giáng xuống làm Lạng Sơn vương. Dương Thị Bí, mẹ đẻ Nghi Dân bị giáng xuống làm “thứ phụ” ( người phụ nữ thường dân). Khi Dương Thị Bí và Nghi Dân bị đánh đổ ( bởi mưu mô của Nguyễn Thị Anh), và Bang Cơ được lập làm Thái tử thì Ngô Thị Ngọc Dao (vốn ở quê ngoại tại huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam (nay là thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), bắt đầu có mang và có tin đồn đại rằng Ngọc Dao nằm mộng thấy “Kim tiên đồng tử” giáng sinh, tất sinh quý tử.

    Lo lắng cho địa vị của con mình và chính mình, Nguyễn Thị Anh tìm cách trừ khử Ngô Thị Ngọc Giao và đứa con trong bụng bà. Nguyễn Thị Anh gièm pha với Thái Tông, Thái Tông nghe lời, khép tội Ngọc Dao tội voi giày. Lúc này, Nguyễn Trãi đang có mặt tại triều đình. Trước việc xử lý bất công đối với Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, ông và vợ là Nguyễn Thị Lộ không thể làm ngơ. Để bảo vệ Ngọc Dao và đứa trẻ trong bụng vô tội, ông cùng Nguyễn Thị Lộ tâu trình lên Thái Tông xét lại việc này. Nhà vua không bắt Ngọc Dao tội chết, nhưng trục xuất Ngọc Dao ra khỏi thành. Nhưng trước sự đe dọa truy sát của Nguyễn thị Anh, trước khi về Côn Sơn.

    Ông đã bàn với Nguyễn Thị Lộ bí mật đem Ngọc Dao lánh nạn ra xa kinh thành, về vùng quê ngoại của Ngọc Dao tại Thái Binh ngày nay (hiện nay ở thôn Kiều Thần, xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình còn có Đốc Hỗ Điện tục gọi là Đền Sáo do vua Lê Thánh Tông xây dựng để thờ bà ngoại là Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế (con gái Quốc công Đinh Lễ) và mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao). Mấy tháng sau, ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), Ngọc Dao sinh được một người con trai. Lúc này, Thái Tông đang sửa soạn lên đường đi tuần du miền Đông. Được tin Ngọc Dao sinh hoàng nam, Thái Tông rất vui mừng đặt tên cho con là Tư Thành. Nguyễn Thị Anh vô cùng lo lắng cho ngôi vị của con trai mình và bản thân, và vô cùng căm tức Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, hai người là nguy cơ lộ tẩy bí mật đen tối và đe dọa quyền lực của mẹ con thị.

    Nguồn: Đào Xuân Ánh

    Sưu tầm 25.02.2022


  • Về trang trước

  • Tin tức liên quan

Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa

Địa chỉ: Số 34 - Ngõ 49 - Phố Huỳnh Thúc Kháng - Đống Đa - Hà Nội Website: phanhuychu-dd.thuvien.edu.vn  QR Code Hotline: 0913565151
Đang nghe bạn nói...